Những chú chim cánh cụt trong "Madagascar", binh đoàn Minion màu vàng trong "Despicable Me", hay Scrat trong "Ice Age" là những nhân vật phụ từng "cướp show" thành công.
Trong không ít tác phẩm điện ảnh, các nhân vật phụ lại được yêu thích hơn cả nhân vật chính. Dù không có nhiều đất diễn, nhưng mỗi khoảnh khắc họ xuất hiện đều tạo nên ấn tượng mạnh mẽ đến cho khán giả. Cùng điểm qua một số vai phụ đã “cướp show” thành công trong những bộ phim hoạt hình nổi tiếng.
Edna Mode trong The Incredibles (2004):
Edna "E" Mode là một nhà thiết kế thời trang chuyên thiết kế phục trang cho các siêu anh hùng. Ngay từ giây phút đầu tiên xuất hiện, Edna Mode đã gây ấn tượng với vẻ khó tính, cầu toàn và sắc sảo trong tính cách và lời nói. Dù xuất hiện không nhiều nhưng bà lại đóng vai trò khá quan trọng trong phim, cũng như để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với khán giả. Kết túc bộ phim, hẳn ai cũng phải đồng tình với quan điểm cứng rắn “No capes!” (Các siêu anh hùng không nên dùng áo choàng) của nhà thiết kế khó tính này.
Các Minion trong loạt Despicable Me (2010, 2013):
Trào lưu “Minion hóa” mọi thứ từ Avengers tới X-Men trong thời gian gần đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự yêu thích của công chúng đối với đám giúp việc cần mẫn màu vàng. Từ chỗ chỉ là những vai phụ góp vui trong phần một, thậm chí còn không ai biết những Minion này rốt cuộc là… thứ gì, nhưng sự yêu thích bất ngờ từ khán giả đã đưa chúng trở thành ngôi sao ở phần 2. Thậm chí, hãng Universal đã nhanh chóng bật đèn xanh cho dự án phim riêng về các Minion, dự kiến ra mắt hè 2015 với sự tham gia lồng tiếng của Sandra Bullock.
Chú sóc Scrat trong loạt Ice Age (2002, 2006, 2009, 2012, 2016):
Cứ mỗi khi có một tập phim Ice Age mới được ra mắt, thì teaser đầu tiên từ bộ phim sẽ luôn là… chú sóc Scrat. Hầu như chẳng có lấy một câu thoại, chẳng tham gia vào cốt truyện chính, quanh năm suốt tháng chỉ có một nhiệm vụ cao cả duy nhất là… đi tìm hạt dẻ, nhưng Scrat từ lâu đã trở thành biểu tượng không thể thay thế cho Ice Age. Mỗi khi Scrat xuất hiện, khán giả luôn tò mò xem hành trình tìm kiếm hạt dẻ bất tận của chú lần này sẽ “khốn đốn” ra sao.
Biệt đội chim cánh cụt trong loạt Madagascar (2002, 2008, 2012):
Hiếm có nhân vật động vật nào lại… lợi hại, lắm tài (và cũng nhiều tật) như các chú chim cánh cụt trong loạt phim Madagascar của hãng Dreamworks. Nhờ vào các khả năng chẳng kém gì siêu điệp viên mà những chú chim này đã không ít lần giúp đỡ nhóm nhân vật chính thoát khỏi cảnh hiểm nghèo, cũng như đẩy họ vào các cuộc phiêu lưu mới. Hãng Dreamworks đặc biệt ưu ái nhóm chim cánh cụt, đến nỗi một bộ phim riêng về biệt đội này sẽ được ra mắt trong tháng 11 năm nay.
Mèo đi hia trong loạt Shrek (2001, 2004, 2007 và 2010):
Dù chỉ xuất hiện với vai phụ từ phần 2 của loạt phim về gã chằn tinh Shrek, chú Mèo đi hia lừng danh vẫn nhanh chóng chứng tỏ được sức hút mạnh mẽ. Không chỉ là một nhân vật hài hước để gây cười, Mèo đi hia khôn ngoan, lanh lợi, cẩn trọng và đầy tính toán. Nếu cần thiết, Mèo đi hia có thể lập tức từ một chú mèo con dễ thương ngây thơ biến thành một hiệp sĩ với kĩ năng đánh kiếm tuyệt hảo. Với giọng lồng tiếng đầy lãng tử của nam diễn viên Antonio Banderas, hình tượng Mèo đi hia hiện lên như một chàng hiệp khách đầy quý phái và bí ẩn. Sự thành công của bộ phim dành riêng cho Mèo đi hia vào năm 2011 lại càng khẳng định sự yêu thích của khán giả đối với nhân vật này.
Lừa trong loạt Shrek (2001, 2004, 2007 và 2010):
Thêm một nhân vật khác từ loạt phim Shrek xứng đáng nằm trong danh sách này. Nếu như Mèo đi hia để lại ấn tượng với phong cách biến đổi đa dạng thì chàng Lừa, người bạn đồng hành rắc rối của Shrek, chỉ đơn giản xuất hiện để gây cười. Tuy nhiên, chỉ cần như vậy là quá đủ. Tạo hình nhân vật và chất giọng lồng tiếng đầy hài hước của danh hài Eddie Murphy đã khiến cho khán giả phải cười ngả nghiêng mỗi khi Lừa xuất hiện. Chẳng cần phải là nhân vật có chiều sâu, thậm chí với tính cách có phần ngây ngô, Lừa vẫn có thể để lại ấn tượng khó phai với những người hâm mộ loạt phim Shrek.
Chú ngựa Maximus trong Tangled (2010):
Maximus giờ đây có thể được coi là một tiêu chuẩn mới về các vai phụ chuyên pha trò trong các phim hoạt hình của hãng Disney. Chú ngựa hoàng gia tinh khôn này khiến cho khán giả vừa trầm trồ, vừa sảng khoái trong bất cứ cảnh phim nào xuất hiện, nhất là khi kết hợp với chú tắc kè Pascal. Khán giả sẽ nhớ đến Tangled với cuộc phiêu lưu đầy thú vị của nàng công chúa tóc dài, phần hình ảnh đẹp lung linh, hay phần thể hiện ca hát ấn tượng của Mandy Moore và Zachary Levi. Song song với tất cả những điều đó, chắc chắn không thể không nhắc tới chú ngựa Maximus và chú tắc kè Pascal.
Ellie Fredricksen trong Up (2009):
Ellie Fredricksen là người bạn đời của ông cụ Carl Fredricksen, một trong 2 nhân vật chính của Up. Bà chỉ xuất hiện trong vỏn vẹn khoảng 10 phút đầu phim, nhưng với nhiều khán giả thì đó là 10 phút hay nhất của bộ phim và là một câu trong những chuyện tình yêu đẹp nhất trong lịch sử điện ảnh. Chính Ellie đã truyền cảm hứng và nuôi dưỡng giấc mơ phiêu lưu đến cho Carl và đồng hành bên ông cho tới tận cuối đời. Cũng nhờ Ellie mà Carl mới có được động lực để thực hiện giấc mơ thuở ấu thơ ở tuổi xế chiều.
Cô cá Dory trong Finding Nemo (2003):
Dory là cô cá đuôi gai màu xanh đã đồng hành với chú cá hề Marlin trên hành trình đi tìm cậu con trai bị mất tích Nemo. Nếu không có Dory, có lẽ cuộc phiêu lưu của Marlin sẽ nặng nề và buồn chán hơn rất nhiều. Với tính cách có phần tưng tửng, luôn quan tâm đến người khác, miệng nói không ngớt nhưng lại mắc chứng mất trí nhớ ngắn hạn, Dory trở thành một nhân vật hết sức thú vị. Cộng với chất giọng lồng tiếng đầy cuốn hút của MC lừng danh Ellen DeGeneres, Dory xứng đáng là vai phụ ấn tượng nhất trong tác phẩm hoạt hình của hãng Pixar. Cô cá Dory nhiều khả năng sẽ trở thành vai chính trong Finding Dory, bộ phim tiếp theo của Finding Nemo, dự kiến ra mắt trong mùa hè 2016.
Chú gián Hal trong WALL-E (2008):
Trong một bộ phim với những nhân vật robot ấn tượng, chú gián Hal nổi bật lên với vẻ ngoài và hành động cực kì đáng yêu. Là người bạn nhỏ duy nhất đồng hành cùng chú robot gom rác cô đơn WALL-E, chú gián Hal giống như một ẩn dụ cho sức sống bất diệt của tự nhiên trước sự tàn phá môi trường của con người. Chú cũng như một mối gắn kết giữa tự nhiên và thế giới máy móc hiện đại. Dù chỉ xuất hiện trong một vài cảnh phim ít ỏi, chú gián Hal vẫn xứng đáng là một trong những nhân vật đáng nhớ nhất trong các tác phẩm hoạt hình của hãng Pixar.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét