Ảnh minh họa: Studio OMG |
Từ cổ xưa, dân địa phương đã dùng lá, ăn trái, nấu hạt cà phê làm thức ăn và thức uống bình dị.
Trong truyền thuyết dân gian, cà phê được coi là những giọt nước mắt của Thượng đế nhỏ xuống thi thể của các bà mo, thầy phù thủy. Bộ tộc Oromo ngày nay còn giữ phong tục là trồng một cây cà phê trên mộ của những thầy mo. Theo sự truyền khẩu, chính một thanh niên chăn dê trong bộ tộc Oromo tên là Kaldi đã khám phá ra loại cây kỳ diệu này.
Trong nghi lễ cà phê của Ethiopia, người nữ đóng vai trò chủ chốt trong việc tiến hành nghi thức pha chế và dọn bày. Tại gia đình khi tiếp khách, đó là bà chủ nhà hoặc một người nữ trẻ tuổi hơn thay thế. Cà phê được dọn ba lần: sáng, trưa, và chiều - mỗi lần có thể kéo dài đến 2-3 giờ. Tại làng xóm nghi thức cà phê cũng là quan trọng nhất và được mời dự là một vinh hạnh.
Văn hóa cà phê của Ethiopia bắt rễ trong tín ngưỡng thờ phụng và hòa đồng với bà mẹ Tự nhiên phồn thực. Hình tượng cây cà phê phù hợp với kích thước con người, sum sê tàn lá biếc xanh và những bông hoa nhiều cánh trắng muốt thơm ngát với những chùm trái muôn sắc từ xanh trắng đến vàng đỏ, nhất là hạt có hình như hai cánh bướm của cửa mình người nữ, gợi hình ảnh nơi tất cả chúng ta chào đời, và trở lại khi hội ngộ với tình ái thăng hoa và phồn thực tiếp nối.
Để làm nổi bật ý nghĩa đó, sự cử hành nghi thức cà phê cũng hết sức thong thả, thoải mái. Đầu tiên, căn buồng hoặc lều trại được quét gọn sạch, rải cỏ thơm và rắc hoa. Người nữ chủ lễ đốt hương trầm hoặc thắp nhang để thanh tẩy bầu không khí và xua đuổi tà ma. Nước lạnh trong sạch được đong vào ấm đất hoặc gốm đen, đáy bằng tròn (gọi là jebena) rồi đặt lên than hồng.
Hạt cà phê tươi được rửa sạch và rang trong chảo gang có cán gỗ dài. Cà phê được rang chậm với lửa thật đều và đảo luôn tay để dầu thơm tiết ra nhưng không bị cháy đen. Hương cà phê thơm khi rang cũng góp phần cho khí quyển của buổi lễ.
Cà phê đã rang được nghiền trong cối với chày giã hoặc bằng cối xay cà phê. Cối gỗ có tên là mukecha và chày bằng kim loại có tên là zenezena. Cối và chày cũng là biểu tượng của hai bộ phận sinh thực nữ và nam. Động tác giã chính là sự hòa hợp của nam nữ để cùng hoan lạc và lưu truyền đời sống.
Khi cà phê giã xong cũng là lúc nước đã đủ nóng. Người nữ phụ trách giở nắp ấm bằng rơm và trút cà phê vừa xay thơm ngát vào. Ấm đun lại tới khi cà phê được chiết xuất vừa đúng độ và sẵn sàng rót ra cho khách.
Một chiếc khay gồm những tách không quai bằng gốm hoặc thủy tinh (cini) đặt sát nhau được rót một lần cho đồng đều từ trên cao độ hơn một gang tay. Bã cà phê còn nằm trong ấm, không trút vào các tách.
Người ít tuổi nhất lúc đó mời người cao tuổi nhất thưởng thức hương vị cà phê đầu tiên. Người hành lễ mời tất cả cùng tham dự. Đó là uống cà phê (bunna tetu).
Khách có thể thêm đường nếu muốn. Sữa thường không được sử dụng. Khách lịch thiệp sẽ khen người pha chế cà phê cũng như tán thưởng nguyên liệu chọn lọc của chủ nhà.
Sau tuần thứ nhất, nghi thức được lặp lại đến lần thứ nhì và lần thứ ba nếu mọi người hoan nghênh. Ba lần uống được gọi là abol, tona và baraka, tức tuần đầu, tuần hai và sinh lực. Mỗi lần sau đều nhạt hơn lần trước. Mỗi tách đều có công dụng chuyển hóa thần khí và tuần chót là sự chúc phúc cho tất cả.
Những biến thiên của việc pha chế là người cử hành có thể thêm đậu khấu (cardamom), quế (cinnamon) và đinh hương (clove) vào khi rang cà phê để làm phong phú thêm với các gia vị.
Những hương liệu giàu có của trái đất vùng nhiệt đới, nhờ ánh sáng và hơi ấm của mặt trời - với sự kết hợp của cả bốn nguyên tố đất, nước, lửa, gió giúp con người hòa hợp với nhau và với đất trời để hưởng hạnh phúc trần gian.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét