Dưới đây là cuộc trao đổi với BS Lê Văn Vĩnh - HLV Câu lạc bộ Hồi Xuân Công - số 3 Dương Đình Nghệ, Q.11, TP.HCM về vấn đề này.
PV: Xin BS cho biết, mỡ trong máu cao do đâu? Tác hại như thế nào?
BS Lê Văn Vĩnh: Mỡ trong máu chủ yếu là cholesterol và triglyceride. Khoảng 20% cholesterol là do những thức ăn như thịt, mỡ, trứng và 80% do gan tổng hợp từ những chất khác như đường, đạm. Điều này lý giải vì sao những người gầy, ít ăn mỡ, trứng vẫn bị mỡ trong máu. Triglyceride cũng là do thức ăn mang lại, nhưng với những người khỏe mạnh, sau 12 giờ tất cả các triglyceride này sẽ được cơ thể chuyển hóa.
Những người mắc bệnh về gan hoặc ở lứa tuổi ngoài 50, khi gan chuyển hóa kém, không thể chuyển hóa hết mỡ nội sinh và mỡ từ thức ăn đưa vào cũng sẽ bị mỡ trong máu cao.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người bị mỡ trong máu cao sẽ dễ mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, xơ vữa động mạch nặng, nhồi máu cơ tim, có thể dẫn đến tàn phế hoặc tử vong.
PV: Để giảm mỡ trong máu phải làm gì?
BS Lê Văn Vĩnh: - Điều trị mỡ trong máu cao qua hai phương pháp: Điều trị không dùng thuốc và điều trị có dùng thuốc.
- Điều trị không dùng thuốc là tăng cường vận động, đồng thời kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý. Với điều trị dùng thuốc nên tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ vì các thuốc hầu hết đều có hại cho gan và gây nhiều tác dụng phụ.
Ảnh: Phùng Huy |
PV: Thực tế, có người vận động rất nhiều nhưng mỡ trong máu vẫn không giảm? Vậy theo BS, vận động như thế nào là phù hợp?
BS Lê Văn Vĩnh: Có hai loại hình vận động: Nhẹ (có oxy) và mạnh (không có oxy). Nhưng vận động để giảm mỡ trong máu phải vận động có oxy, nếu vận động không có oxy dù tập luyện như thế nào đi nữa thì cũng chỉ tốn thời gian.
Khi vận động nhẹ nhàng như: đi bộ nhanh, tập dưỡng sinh, đi xe đạp chậm... cơ bắp chủ yếu sử dụng năng lượng từ sự oxy hóa các axít béo, vì vậy mỡ được tiêu hao nhanh.
Đi bộ nhanh Ảnh: Internet |
Khi vận động mạnh như chạy, tennis, tập tạ, đá bóng… sẽ khiến cơ thể thở nhanh và gấp để bù oxy thiếu hụt, dẫn đến thải CO2 nhanh. Kết quả sẽ làm co thắt mạch máu não và cơ tim, đồng thời ức chế sự di chuyển oxy từ huyết sắc tố sang các tế bào. Khi không cung cấp đủ oxy, cơ bắp chủ yếu dùng năng lượng được chuyển hóa từ glucose. Từ đó, axit lactic sẽ tăng cao làm ức chế sự phóng thích axit béo tự do và làm giảm sự chuyển hóa mỡ.
Lưu ý, mức độ O2 quá thấp có thể dẫn đến thiếu máu não và máu cơ tim cục bộ. Vì vậy, những người ở độ tuổi 50 trở lên dễ bị tai biến, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp khi vận động mạnh.
PV: Thời gian vận động bao nhiêu là đủ?
BS Lê Văn Vĩnh: Buổi tối sau khi ăn khoảng hai giờ là lúc vận động tốt nhất. Thời gian vận động tối thiểu phải 30 phút, tốt nhất từ 45 - 60 phút. Chú ý, nên vận động liên tục khoảng 30 phút rồi nghỉ, không nên nghỉ giữa chừng.
PV: Người nhiễm mỡ trong máu cần có chế độ ăn như thế nào?
BS Lê Văn Vĩnh: Nên: Ăn nhiều rau, trái cây tươi loại ít ngọt (khoảng 500g mỗi ngày), nên ăn nguyên cả xác hơn là ép lấy nước uống. Mỗi tuần nên có ít nhất ba ngày ăn cá và một ngày ăn đậu (đậu hủ, đậu que, đậu xanh…) thay cho ăn thịt, ăn nhiều tỏi. Nếu ăn thịt, nên chọn các loại thịt nạc không lẫn mỡ, da và gân. Khi ăn tôm, cua, ghẹ… nên bỏ phần gạch. Mỗi tuần, chỉ nên dùng hai quả trứng gà hoặc vịt. Dùng dầu thay cho mỡ. Uống nhiều nước.
Ăn nhiều rau, trái cây tươi (ảnh: Internet) |
Không nên: Dùng nhiều món chiên xào, các thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao (óc heo, mỡ, da gà, da vịt, da heo, lòng đỏ trứng, chân giò, lòng heo, xí quách…), hạn chế dùng nước ngọt, rượu, bia. Mỗi ngày uống một ly nhỏ rượu vang đỏ sẽ tốt cho mạch máu.
PV: Xin cảm ơn BS!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét