1. Hôm rồi, có người bạn bên Úc gởi qua điện thư cho tôi một “sưu tập” khá thú vị. Đó là những mẩu chuyện so sánh rất tinh tế về Sài Gòn và Hà Nội, từ thời tiết như mưa nắng cho đến đường phố, cây cối và nhiều nhất là những sinh họat hàng ngày như ăn, uống, vui chơi, giải trí v.v… Trong đó, có một mẩu so sánh về việc “uống cà phê” như sau:
Uống Cà phê
Ở Sài Gòn: thường uống cà phê có nhiều đá vào buổi sáng trước khi đi làm
Ở Hà Nội: thường uống cà phê khi đi chơi vào buổi tối trước khi… đi ngủ
Nếu bạn gọi một ly nâu
Ở Sài Gòn: bạn sẽ được chủ quán mang cho một ly cà phê đen
Ở Hà Nội: bạn sẽ được 1 ly cà phê có thêm sữa
Nếu bạn muốn uống cà phê sữa
Ở Sài Gòn: cho xin 1 ly bạc xỉu
Ở Hà Nội: nếu bạn gọi 1 ly bạc xỉu bạn sẽ nhận được câu trả lời – không có, hoặc bạn bị coi là… hâm.
Đọan so sánh về ly “bạc xỉu” làm sống lại trong tôi những quán cà phê Tàu, những quán cà phê đã làm nên một đặc tính “văn hóa cà phê” rất Sài Gòn. Thực ra, chữ “bạc xỉu”, gọi tắt của cụm chữ “bạc tẩy xỉu phé”. Mấy chữ đó là âm từ tiếng Quan Thọai, thứ tiếng Tàu khá phổ thông trong số những người Tàu sống ở Sài Gòn. Bạc là màu trắng, Tẩy là cái ly không, Xỉu là một chút, và Phé là cà phê. Rõ nghĩa hơn, đó là một thức uống theo ý khách hàng : Sữa nóng thêm một chút cà phê. Sữa đặc pha với nước sôi thường có mùi hơi khó uống, nên chút cà phê thêm vào sẽ làm cái mùi ấy mất đi. Ở những quán cà phê bình dân của người Tàu (những năm 50s, 60s, Sài Gòn đầy dẫy những quán cà phê bình dân kiểu này, chúng thường chiếm vị trí thuận lợi ở mỗi đầu con hẻm), khi khách hàng Việt gọi một món thức ăn, thức uống bằng tiếng Việt, phổ ky (người hầu bàn) thường có thói quen đứng từ bàn của khách nói vọng vào bếp (cũng được đặt ngay trong một góc gần ngay chỗ thực khách ngồi ăn uống) món thức ăn, uống ấy bằng tiếng Tàu. Dần dà, người khách Việt thuộc lòng món ăn, uống ưa thích bằng tiếng Tàu và sau đó, đã sử dụng luôn chúng trong lúc gọi thực đơn. Và từ đó, ngôn ngữ Việt đã đồng hóa một số từ thức ăn, thức uống trong tiếng Tàu thành ngôn ngữ riêng của mình, trong đó có từ “bạc xỉu”. Vì đó là đặc tính “văn hóa cà phê” riêng của Sài Gòn nên Hà Nội làm sao biết được. Ngay cả Sài Gòn bây giờ, có mấy người trẻ hiểu được thói quen của mấy ông bà lớn tuổi, vào quán cà phê bình dân đầu hẻm, khi vừa ngồi xuống đã vội kéo một chân lên ghế (đẩu), vừa lớn tiếng gọi “cho cái xây chừng coi !” (xây chừng : ly cà phê đen nhỏ), hay “sang”hơn một chút : “Phổ ky ! cho cái xây nại !” (xây nại : ly cà phê sữa nhỏ).
Để nói về “văn hóa cà phê” của Sài Gòn những năm đó, người ta cần cả một pho sách.
2. Nhưng, “văn hóa cà phê” là gì ?
Để “nắm bắt” được khái niệm mơ hồ ấy, rất đơn giản. Một buổi sáng đầu thu nhàn rỗi nào đó, với chút không khí se lạnh đầu ngày, bạn mở cửa bước vào một nhà sách quen thuộc (Barnes & Noble chẳng hạn). Điều đầu tiên bạn chú ý là mùi cà phê ngào ngạt “quánh” lại giữa không gian, phát ra từ một góc (trái hoặc phải, hoặc ngay chính giữa) của tiệm. Đó là quán cà phê mang cái tên khá quen thuộc với người Mỹ: Starbuck hay có thể là một cái tên nào khác. Điểm chính là một quán cà phê nằm ngay trong tiệm sách. Khách đến mua sách (hay chỉ đến để xem “cọp” như các cô cậu sinh viên cần tài liệu nào đó cho homework của mình, hay đơn giản, thói quen đi dạo hàng sách của những con mọt chữ – như kẻ viết bài này) có thể cầm vài quyển sách của các tác gỉa quen thuộc, ngồi xuống một góc bàn, mua ly cà phê, vừa nhâm nhi vừa say mê trên những trang sách thánh hiền. Cà phê và sách vở. Hai thứ ấy thường đi chung với nhau. Nhiều văn hào lừng danh trên thế giới (như vợ chồng triết gia người Pháp Jean-Paul Sartre và Simone de Beauvoir) khi ngồi xuống bàn viết, ngòai xấp giấy trắng phải luôn luôn có ly cà phê nóng trước mặt.
Đôi vợ chồng triết học Jean Paul Satre thưởng thức cà phê như là một thói quen hàng ngày. |
Từ thế kỷ 15, 16 ở Châu Âu đã xuất hiện khái niệm “văn hóa cà phê”, ám chỉ những quán cà phê thường có sự lui tới của các văn nghệ sĩ, các triết gia. Họ đến đó, trước hết như là nơi thường xuyên gặp gỡ hàng ngày, để ăn uống, trao đổi bàn bạc những bản thảo họ đang thai nghén, hay để chia sẻ những ý kiến riêng về các vấn đề văn hóa thời sự nóng hổi. Nhiều tác phẩm quan trọng có tầm vóc thay đổi thế giới đã ra đời từ những quán cà phê như thế. Franz Kapka, nhà văn gốc Do Thái, đã đọc lại bản thảo tác phẩm lừng danh “Hóa Thân” (Metamorphosis) tại quán cà phê Café Stefan ở Prague (thủ đô Tiệp Khắc). Tiệm cà phê cổ nhất ở Paris, khai trương năm 1686 (và đến nay vẫn còn họat động (?)), Le Procope, với vị trí thuận lợi tọa lạc gần hí viện La Comédie-Francaise, đã được sự chiếu cố đặc biệt của các nghệ sĩ, các nhà viết kịch (Molìere, Racine v.v..) nên đã tồn tại một thời gian kỷ lục.
Lịch sử về văn hóa cà phê tại châu Âu đã ghi nhận sự ra đời của gần 40 quán cà phê, đến nay vẫn còn họat động tại 20 thành phố, từ Budapest (Hung Gia Lợi) diễm lệ sang trọng đến một góc phố tồi tàn của St. Petersburg (Nga). Ở Sài Gòn, trước năm 1975, có quán cà phê La Pagode, nằm trên đường Tự Do (bây giờ là Đồng Khởi), chỗ đối diện với công viên Hòa nhạc phía bên kia đường, cũng là nơi tụ tập của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của miền Nam. Cái tên La Pagode đã có chỗ đứng rất trang trọng trong nhiều tác phẩm văn, thơ xuất bản cả trước lẫn sau 1975. Cũng từ quán cà phê Cái Chùa (La Pagode), một nhóm các nhà văn, nhà thơ lúc ấy đã “lăng–xê” mốt “trí thức thời thượng”: kính trắng và ống vố (pipe). Và tất nhiên, trước mặt phải có ly cà phê bốc khói, và cái lọ đựng những viên đường thẻ trắng tinh.
Một góc quán cà phê ở Pháp |
Từ năm 1983, nước Mỹ, vốn bị các trí thức Châu Âu gọi mỉa mai là “anh trọc phú” (anh nhà giàu ngu dốt), đã xuất hiện hệ thống tiệm cà phê Starbuck, mà chỉ hơn 20 năm sau nó đã trở thành hiện tượng “văn hóa” đáng chú ý không những chỉ ở nước Mỹ, mà còn ở các quốc gia có “nền văn hóa cà phê” lâu đời ở châu Âu. “Rót cả tâm hồn vào đáy cốc” (tôi muợn câu chuyển ngữ tuyệt vời của Trần Kiêm Đòan từ nhan đề quyển sách viết bởi người sáng lập nên hệ thống cà phê Starbuck : Pour Your Heart into It : How Starbucks Built a Company One Cup at a Time của Howard Schultz), đó là triết lý chảy qua từng giọt cà phê Starbuck sóng sánh. Thứ triết lý đi từ đáy cốc đến từng tế bào não bộ của khách mộ điệu đứng xếp hàng mỗi buổi sáng trước 12 ngàn quầy cà phê Starbuck có mặt khắp nơi trên thế giới, từ thành phố Wichita nhỏ bé ở một tiểu bang nông nghiệp quê mùa của nước Mỹ đến những khu phố tráng lệ của Nữu Ước, sang trọng của Seattle, cổ kính của Boston, đến cả thủ đô Paris, cái nôi của văn hóa châu Âu, thành trì kiêu hãnh một thời của giới trí thức châu Âu.
Ngày nay, khi nói đến văn hóa cà phê, người ta (giới trí thức châu Âu) đã không thể bỏ qua “văn hóa cà phê Starbuck”. Dù vậy, vẫn có kẻ ganh tị với anh “trọc phú Mỹ”, biện luận rằng Starbuck vốn có gốc gác từ một quốc gia châu Âu khác là Ý, mà người sáng lập ra nó là Howard Schultz đã mang nó về từ một chuyến du lịch thành phố Milan. Nhưng nếu không có anh trọc phú Mỹ nhúng tay vào thì liệu cái thứ cà phê có gốc gác từ Milan ấy đến nay có bao nhiêu người biết. Cũng như cái món Pizza (cũng có gốc gác từ Ý) lừng danh thế giới, nếu không được giới thiệu đầu tiên ở nước Mỹ từ một cái Lều (Hut) nằm khiêm tốn trong một khu hẻo lánh của khuôn viên trường Đại Học Wichita State University (Wichita –Kansas) năm 1958 thì ngày nay mấy ai biết đến Pizza Hut. Mặt khác, phải khâm phục óc sáng tạo kinh tế nhưng lại mang màu sắc văn hóa của những người đầu não Starbuck. Họ đã kết hợp thành công hai tính cách tưởng chừng như đối nghịch nhau, như sao Hôm, sao Mai không bao giờ gặp. Đó là tính cách khoan thai, tà tà, nhàn nhã của châu Âu, biểu tượng qua những giọt cà phê phin (filter) chậm rãi vào buổi đầu ngày và tính cách “Fast Food” của người Mỹ, mọi chuyện đều phải “ăn liền” (instant), ngay tức thì, kể cả ly cà phê buổi sáng, biểu tượng qua bình cà phê Folgers hay Maxwell đầy ắp đủ uống cho nhiều người chỉ trong 1, 2 phút sau khi bấm nút máy pha (coffee maker). Hãy thử so sánh, khỏang thời gian trung bình của một người Mỹ từ lúc họ ghé xe vào trạm “Drive-thru” để đặt mua bữa ăn trưa cho đến khi họ trả tiền và nhận gói thức ăn từ tay người bán : từ 2 cho đến 4 phút. Có khi nhanh hơn : dưới 2 phút. Bây giờ, trong những buổi sáng ngày làm việc, họ sẵn sàng đứng xếp hàng chờ mua ly cà phê Starbuck với khỏang thời gian chờ đợi từ 7 đến 15 phút. Có thể nói, với ly cà phê Starbuck, người Mỹ đã “tự điều chỉnh” nhịp độ hối hả của họ, và sống “nội tâm” hơn.
Nói cách khác, cà phê, ngòai tính cách “văn hóa” còn đóng vai trò tác động vào lối sống (lifestyle). Nó có thể làm trì trệ thêm lối sống vốn đã trì trệ của một số người, nhưng cũng có thể có tác dụng tích cực, như ly cà phê Starbuck và lối sống Mỹ.
3.
Sáng nay cà phê một mình
Sài Gòn chợt mưa chợt mưa
(Cà phê một mình- Ngọc Lễ)
Câu hát thật dễ thương. Lại nhớ đến Sài Gòn và những quán cà phê buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối. Người Sài Gòn lúc nào cũng uống cà phê được. Bạn bè gặp nhau là rủ nhau ra quán cà phê. Tình nhân hẹn hò là lấy điểm hẹn ở một quán cà phê quen thuộc. Giới làm ăn hẹn nhau ra quán cà phê để trao đổi những điều cần thỏa thuận cho công việc mà các bên cùng quan tâm. Ngay đến hình thức quán cà phê cũng đã rất đa dạng. Từ quán cóc vỉa hè có thể bắt gặp ở bất cứ góc đường nào của thành phố, đến những quán cà phê Tàu có bình trà bằng thiếc to tướng (ngày xưa chúng tôi hay gọi đùa là trà Thiếc Quan Âm), rồi đến những quán cà phê lộ thiên trang nhã dưới một gốc cổ thụ (như cà phê Bạch Tùng Diệp đối diện với Dinh Gia Long cũ), những quán cà phê cửa kính có máy lạnh, có nhạc Trịnh Công Sơn. Đó là Sài Gòn ngày xưa, với không khí văn hóa cà phê, trí thức hay bình dân tùy theo hình thức của quán.
Văn hóa cà phê Việt hình thành cũng được ngót nghét 1 thế kỷ. Ảnh chụp cà phê vỉa hè Sài Gòn năm 1961. |
Dù bình dân hay trí thức, thì không khí của quán là thứ không khí mà, nói theo nhà văn quá cố Hòang Ngọc Tuấn, ở nơi đó ai cũng quen nhau. Ở đó, những người khách xa lạ ngồi cùng bàn (thậm chí khác bàn) có thể nói chuyện với nhau tự nhiên như đã quen nhau từ trước. Ở đó, một bác xích lô có thể tranh luận kịch liệt với ông giáo sư trung học về một sự kiện thời cuộc nào đó vừa được đăng trên nhựt trình (báo ngày). Kể cả những lời ta thán, rủa xả một cách hành xử mất lòng dân của chính quyền đương thời v..v…
Nói cách khác, thời đó, quán cà phê là một bức tranh xã hội sinh động, giúp những người thực sự quan tâm đến dân chúng bắt mạch được nhu cầu đích thực của một thành phần công chúng.
Ngày nay, theo lời của nhiều người am hiểu trong nước, quán cà phê vẫn là một hình thức sinh họat văn hóa, nhưng phức tạp hơn, đa dạng hơn và “trần tục” hơn.
Dân Sài Gòn bây giờ gọi những hình thức khác nhau của những quán cà phê là “phong cách”. Phong cách càng lạ, càng sang trọng, càng thu hút khách. Vẫn còn những quán cà phê vỉa hè, nhưng “phong cách nghèo nàn, bình dân” ấy không phải là đầu đề để dân sành điệu cà phê Sài Gòn chuyện trò bù khú. Phải là quán cà phê Panorama tọa lạc ở từng thứ 33, từng cao nhất, của Sài Gòn Center. Người ta đến đây không phải để uống cà phê, mà là để mua chỗ ngồi ngắm thành phố từ trên cao chót vót. Hay cà phê Skyview tại tầng thứ 13 của Diamond Plaza (khu gần Vương Cung Thánh Đường), nơi dành cho những vị khách chuộng không gian lịch sự, lặng lẽ. Hoặc cà phê Highlands dưới chân tòa nhà Metropolitan ở đường Tự Do. Chỉ cần ngồi ở đây một hai tiếng đồng hồ, người ta có thể bắt đúng được nhịp tim đập của thành phố. Từ bảnh sáng đến khuya khoắt mịt mù, hiếm khi nào quán vắng khách. Có mặt đủ lọai các celebrities (những người nổi tiếng) ca sĩ, nhạc sĩ, người mẫu, đại gia, công tử, dân chơi v.v… Ở những quán cà phê “đầy phong cách” như thế, không khí của nó là biểu hiện cho một lối sống, chắc hẳn là không thuộc về đại đa số người dân kiếm ăn từng bữa. Vì thế, khi nói về văn hóa cà phê, người ta vẫn phải nhìn vào những nơi tụ họp đông đảo giới lao động cùng với những lo âu, vui buồn bày tỏ trong lúc họ ngồi nhâm nhi ly cà phê với giá cả phải chăng.
Ở Hà Nội, trước đây cũng có những quán cà phê ra đời từ những năm 50s như cà phê Giảng, cà phê Nhân. Cà phê Giảng, theo lời những người lớn tuổi, là điển hình cho cà phê phố cổ Hà Nội. Cà phê Nhân, năm 1954 đã di cư vào Sài Gòn, và mở lại ở một căn nhà nhỏ xinh xắn mặt tiền đường Lý Thái Tổ, kế bên tiệm phở Tàu Bay và gần nhà thờ Bắc Hà. Sau này, theo giới sành điệu cà phê của Hà Nội, đất ngàn năm văn vật có thêm các quán cà phê đầy “phong cách văn hóa trữ tình và lãng mạn” như cà phê Ánh ở đường Quán Sứ, chung quanh tường được trang trí bằng những bức ảnh của nhiếp ảnh gia Hòai Linh, hay cà phê Lâm, cà phê Tùng Hậu cũng trang trí bằng những bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam. Và cũng như Sài Gòn, Hà Nội không thiếu những quán cà phê nhạc sống, dưới hình thức nhạc thính phòng.
Xem ra, văn hóa cà phê của Sài Gòn, của Hà Nội cũng không thiếu những đặc trưng cơ bản của văn hóa cà phê thế giới.
4.
Trong ly cà phê có hương vị của cuộc sống. Vì cà phê vốn đắng, nên người ta phải cho thêm đường. Bỏ bao nhiêu đường, thì lại tùy khẩu vị mỗi người. Giới sành điệu bảo rằng, chớ nên hâm lại cà phê nguội, vì sẽ làm vị cà phê đắng thêm. Cũng như hãy để những gì thuộc về quá khứ lãng quên trong quá khứ, đừng khơi lại, chỉ chuốc lấy thêm nhiều dư vị không lấy gì làm ngọt ngào.
Văn hóa cà phê còn nhắc nhở người ta rằng, hãy uống cà phê khi ly cà phê còn nóng, tức là hãy sống hết mình cho hiện tại. Đừng bận tâm ngỏanh mặt nhìn ngày hôm qua, đừng cố kiễng chân nhìn về ngày sắp tới, vì làm thế chỉ khiến ly cà phê trước mặt nguội dần, mất ngon.
Triết lý cà phê cũng ngụ ý rằng, cuộc đời đôi khi đắng chát như một ly cà phê đen thiếu đường. Nhưng cà phê đắng còn có hộp đường bên cạnh. Còn cuộc đời chẳng may chát đắng, thì phải làm sao ?
Lại nhớ câu thơ được nghe từ những ngày còn lưu đầy đất Bắc. Nói lên cảnh ngộ của vợ những người tù cải tạo năm xưa.
Cà phê đắng cho thêm đường thì ngọt.
Đời đắng cay em biết bỏ thêm gì ?
Văn hóa cà phê thật đa dạng. Triết lý cà phê cũng đủ sâu để luận bàn. Vậy, xin mời bạn, chúng ta hãy “rót cả tâm hồn vào đáy cốc… cà phê”. Hay, nếu ly cà phê đời của bạn đã có quá đủ chất đắng, thì chúng ta vẫn có thể thưởng thức vị ngọt của ly bạc xỉu, với một chút cà phê đen trong ly sữa trắng, như một chút mặt trời trong ly nước lạnh của Francoise Sagan.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét