Ông cu Quýnh ở trong xóm Long Hòa với mình, gần cầu Phôốc. Ông lớn hơn mình bảy chục tuổi, khi mình mới 7 tuổi ông đã 77 tuổi.

Thời đó 77 tuổi là thọ lắm rồi, ít ai sống quá tuổi 65, thế nên Bác Hồ mới viết trong di chúc “nhân sinh thất thập cổ lai hy”. 50 tuổi làm lễ lên lão, 70 tuổi làm lễ thượng thọ, nhà nào có bố mẹ sống qua tuổi bảy mươi được coi là nhà đại phúc.

Chẳng như bây giờ, bác Trần Tiến 67 tuổi thấy gái đẹp mắt vẫn sáng lên hình viên đạn. Cũng 67 tuổi bác Nguyễn Trọng Tạo đòi lấy vợ thứ tư. Còn như Đoàn Tử Huyến quá tuổi 60 gái trên U 23 không chịu duyệt. Thất kinh!

Vẫn còn thua ông già của Huy Đức, 98 tuổi vẫn đạp xe chạy vòng vòng quanh phố mỗi ngày, tối về cắm cúi làm thơ ca ngợi Đảng, Bác. Có bài dài đến mấy trăm câu. Nếu con cái cho ông lấy vợ thì ông cũng chẳng kém gì ông già Iraq 94 tuổi cưới cô vợ 22 tuổi, hi hi!

Thôi không dài dòng nữa, quay lại chuyện ông cu Quýnh.

Ông Quýnh là giáo viên tiếng Pháp bậc tiểu học, năm 1953 giải phóng Thị trấn Ba Đồn cũng là năm vợ ông ốm đau rồi mất, ông về ở với anh con trai cả . Nói chung bảy tám đứa con ông Quýnh đều đã cao tuổi, đều khá giả, con cái họ đã lập gia đình, ông Quýnh có hơn chục đứa chắt. Trong Thị trấn không ai được như ông.

Nhìn ông già râu tóc trắng như cước, chiều chiều mặc bộ đồ ba ba lụa trắng như mây, thong dong chống gậy đi trên đường cái quan, vừa đi vừa lẩm nhẩm đọc thơ bằng tiếng Pháp, vài ba đứa chắt lon ton chạy theo sau, mình có cảm giác như tiên ông giáng trần chứ không phải ông cu Quýnh.

Nói vậy để biết ông Quýnh thật đại phúc, dẫu có chết cũng lãi to lắm rồi, khỏi phải lo nghĩ gì. Ai ngờ đường đời đã trọn vẹn nhưng đường tình chưa hết, 77 tuổi ông cu Quýnh vướng phải dây “oan oan tình”, thế mới mệt.

Đầu tiên ông ôm mớ dây “oan oan tình” đi bủa vây đàn bà góa khắp xóm mà ông goi là lực lượng tiền mãn kinh. 

Ông Quýnh rất đẹp lão, lại sang trọng, tiền bạc cũng không thiếu, thế mà các bà đều tránh ông như tránh hủi, thế mới lạ.

Bà Năm mất chồng đã hơn chục năm, thỉnh thoảng thèm chồng bà lại rú lên như mèo động dục, cả xóm ai cũng biết. Ông Quýnh lân la tán tỉnh bị bà đuổi như đuổi tà, nói thôi thôi ông đừng để tui phải góa chồng lần thứ hai. Hi hi chỉ vì bà sợ cưới xong ông lăn đùng ra chết.

Bà Phin quanh năm tất tả chạy khắp Thị trấn kiếm chồng cho mình nhưng động đến ông Quýnh thì bà giãy nãy, nói thôi thôi thôi… ba vạn cũng bỏ! Dây với đám đái ướt quần đó chỉ mất công tháo dây rút, không được cái chi mô.

Kể sơ qua vậy, còn nhiều bà lắm, hi hi.

Ông Quýnh không nản, ông làm thơ tình tặng các bà góa trong xóm. Thực ra ông Quýnh không biết làm thơ, ông cóp thơ tình của ai đó, cũng chỉ cóp một bài, đềthương tặng, yêu tặng, thân tặng … không sót một ai trong lực lượng tiền mãn kinh của ông.

Cái tên nghe rất tôn giáo của em
Hơi kiêu kì - và đó là bản chất
Cái tên em bí ẩn không giấu được
Tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “xinh”.
Còn tiếng Đức có nghĩa là “dịu hiền”

Sau này mình tra google mới biết đó là Bài thơ tặng Linda của Apollinaire, ông Quýnh chép tặng hết bà này đến bà khác, chỉ cần thêm cái tên bà đó chen vào các khổ thơ là xong, khỏe!. Bất kể tên bà nào cũng tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “xinh”, còn tiếng Đức có nghĩa là “dịu hiền”.

Ông Quýnh mang thơ tới tặng, các bà lườm cái nguýt cái, nói cảm ơn rồi sập cửa. Ông nhét bài thơ vào khe cửa, các bà lấy chổi quét tùa ra. Ông cầm bài thơ đọc ngân nga. Các bà phải xuýt chó ra đuổi ông mới chịu bỏ đi.

Bà Lé vốn ngoa ngoắt ngỗ ngáo nhất xóm, mục hạ vô nhân bà chẳng coi ai ra gì. Đàn ông khắp xóm ai cũng sợ bà, điên lên bà có thể xông tới vặn cu bóp dái họ không hề nao núng.

Không nhớ tên thật bà Lé là gì, chỉ biết bà mắt lé từ khi mới lọt lòng, cả làng đều gọi bà là Lé.

Tưởng ông Quýnh tán ai thì tán chứ bà Lé thì không dám. Té ra không. Bà Lé là gái góa, thuộc lực lượng tiền mãn kinh của ông, há cớ gì ông lại tránh? Hi hi.

Khác với các bà khác thấy ông Quýnh lấp ló ở ngõ là lập tức sập cửa, bà Lé ung dung ngồi ngạch cửa nhai trầu bỏm bẻm, hất hàm hỏi chi rứa ông Quýnh. Ông Quýnh vui vẻ bước vào, nói thơ. Anh vừa có bài thơ mới tặng em. Bà Lé cười cái hậc, nói ẻ quẹt. Ông Quýnh thơ tặng riêng em mà. Bà Lé nói ẻ quẹt. Ông Quýnh nói thơ anh vừa mới viết mà. Bà Lé nói ẻ quẹt.

Ông Quýnh đưa bài thơ cho bà Lé, nói em có thể xua đuổi anh nhưng bài thơ này thì đừng, nó vô tội. 
Bà Lé vò bài thơ ném ra sân, nói ẻ quẹt! Ông té đi cho tui nhờ!

Ông Quỳnh nhặt bài thơ, vuốt thật thẳng rồi ngân nga đọc bài thơ, vừa đọc vừa ngâm: Lé ơi, cái tên nghe rất tôn giáo của em/ Hơi kiêu kì - và đó là bản chất…

Bà Lé lườm ông Quýnh, nhọn mồm đánh bịp một tiếng rõ to, nói ba hoa!

Ông Quýnh mặc kệ vẫn đọc say sưa: Tiếng Tây Ban Nha… Lé có nghĩa là “xinh”./ Còn tiếng Đức… Lé có nghĩa là “dịu hiền”

Bà Lé cười cái hậc, nói ba hoa! Tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức mà ngu rứa a?

Rồi bà vùng dậy đá đít ông Quýnh, nói thôi đủ rồi đó, té đi cho tui nhờ.

Ông Quýnh nói như đọc thơ, ngân nga: Đừng đuổi anh tội nghiệp/ cho anh ở lại/ anh sẽ làm cho em hạnh phúc….

Bà Lé nhổ toẹt bãi nước trầu, nói té đi! Ông thì làm được cái chi!

Ông Quýnh vẫn ngân nga: làm tất cả những gì em muốn/ đó là thế mạnh của anh.

Bà Lé cười phì, nói thằng cha ni ba hoa gớm bay! Đoạn bà thò tay bóp hạ bộ ông Quýnh, nói coi ra răng mà ba hoa khiếp rứa.

Vừa đụng vào bà vội thụt tay như phải bỏng, bà vừa chạm phải cái cứng như cục sắt.

Bà Lé tái mặt chạy vào nhà, vội vàng sập cửa, ngồi ôm ngực thở dốc.

Sáng mai các bà quanh xóm túm tụm quanh bà Lé, hỏi răng răng? Bà Lé mắt trợn mồm há, nói oa chà. Các bà lại hỏi răng răng? Bà Lé lại mắt trợn miệng há, nói oa chà…

Còn nữa, he he!
Nguyễn Quang Lập

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top